Không ngoài hướng đến sự bền vững, bên cạnh đó, những xu hướng luôn có sự xoay vòng nhưng vẫn đảm bảo yếu tố thiết thực, cấu trúc linh hoạt trong thiết kế gần gũi thiên nhiên, lấy tự nhiên làm nguồn gốc của sáng tạo và tâm điểm chính là con người. Và 4 xu hướng chính dưới đây sẽ khái quát rõ những điểm độc đáo, sáng tạo của các công trình kiến trúc hiện đại.
1. Module
Trong cấu trúc hình khối kiến trúc, tạo hình bằng module là một cách làm rất cơ bản nhưng luôn tạo hiệu ứng không gian thú vị. Năm 1948, kiến trúc sư Le Corbusier đã cải tiến hệ thống tỉ lệ kíến trúc từ thời Ai Cập, Hy Lạp cho đến Leonardo da Vinci để sáng tạo ra hệ thống đo lường kiến trúc trên cơ sở tỉ lệ kích thước con người, ông gọi đó là modulor. Đây là kiến thức kinh điển để kiến trúc sư dựa vào đó mà thiết kế kích thước ngôi nhà, vật dụng nội thất cho phù hợp với chiều cao trung bình của con người tại từng khu vực trên thế giới.
Ngày nay, chúng ta có thể bắt gặp module ở hầu khắp mọi nơi từ các công trình tòa nhà đồ sộ đến những ngôi nhà nhỏ theo phong cách hiện đại. Nổi tiếng là Thư viện điện tử Sendai do Toyo Ito thiết kế và hoàn thành năm 2001 đã không sử dụng kết cấu cột dầm thông thường mà dùng các module ống xoắn trải khắp mặt bằng. Nó vừa chịu trọng lực chiều dọc, vừa có thể xê dịch chiều ngang hay xoắn theo hướng lực động đất. Các tầng nhà cũng lần lượt là module dựng lên theo chiều đứng.
Mô hình mô phỏng kiến trúc Thư viện điện tử Sendai, Nhật Bản.
Trong năm 2014, các thiết kế công trình nói chung bao gồm các dự án kiến trúc tương lai đều có sự góp mặt của các khối hình học sắp xếp từ những đơn vị lặp đi lặp lại. Các doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm những cách thức mới vừa linh hoạt mà không cần đầu tư nhiều. Một ví dụ là Suivez le Guide của Five AM Architects. Five AM đã chuyển đổi cả một không gian văn phòng mở rộng thành một thiết lập linh hoạt nhấn mạnh vào cả sự riêng tư và cộng đồng. Kế hoạch này được tạo thành từ các module di chuyển. Không gian linh hoạt cho phép nhân viên tùy chỉnh tạo ra khu vực làm việc riêng của họ mong muốn với sự di chuyển đơn giản của các module. Bằng cách chọn những cách thức mới để phù hợp với khối lượng, người sử dụng có thể liên tục tạo ra các chức năng khác.
Tammo Prinz Architects tại Đức đã phát triển một dự án tòa nhà chọc trời được xây dựng từ những khối module xếp chồng lại với nhau, sử dụng một sự kết hợp của các khối hình dạng ba chiều. Tammo Prinz thiết kế tòa nhà này như là một phần của một cuộc thi cho việc tái phát triển của một khu vực ở Lima, Peru. Prinz đã mường tượng ra một công trình bê tông đồ sộ diễn tả cấu trúc của nó trên mặt tiền và những cửa sổ sẽ bao phủ phần lớn các bề mặt.
Sự nổi lên của kiến trúc xanh đầy tính sáng tạo và thân thiện đã làm xu hướng ngày càng thịnh hành hơn như các tòa nhà được lắp ghép bởi việc tái sử dụng container chở hàng… Ngoài ra, các đơn vị nhà gia công sẵn hay một khái niệm mới về những ngôi nhà gồm các phần được gia công thực hiện trước đó rồi được lắp ráp lại theo bản vẽ đã định. Do đó, các công trình sẽ được xây dựng nhanh hơn và dễ dàng hơn. Có thể sử dụng phương pháp khác nhau để cấu trúc các đơn vị có sẵn đó và kiến trúc sư có một sự lựa chọn đa dạng với các vật liệu và kỹ thuật hiện đại tốt nhất.
Dự án Frog đã đạt một số kết quả đáng kinh ngạc bới các module lớp học thân thiện với môi trường được xây dựng từ 50% vật liệu tái chế. Dự án được đẩy nhanh thời gian hoàn thành chỉ trong vòng 6 tháng.
2. Thân thiện với môi trường
Xây dựng công trình theo tiêu chuẩn LEED (Leadership in Energy and Environmental Design là hệ thống chuẩn hóa của Mỹ về các công trình xây dựng có chất lượng bảo vệ môi trường cao) giúp thực hiện trách nhiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên môi trường. Từ đó, các thiết kế phải tuân theo các nguyên tắc của xã hội, kinh tế, và tính bền vững sinh thái. Thực tế rằng các tòa nhà công cộng thường là các dự án thực hiện mang tính cộng đồng cao nên có một vai trò quan trọng trong việc giữ gìn môi trường chung.
Ai Cập là quốc gia gần đây nhất với mục tiêu xây dựng tòa nhà tương lai, thiết kế đỉnh cao trong kiến trúc công trình thân thiện môi trường. Tòa nhà The Gate Residence sẽ được xây dựng tại Cairo. Ngoài các tính năng như tấm pin mặt trời, tuabin gió, ống sưởi, làm mát hay ấm bằng năng lượng địa nhiệt… dự kiến công trình sẽ cung cấp đến 1.000 căn hộ, văn phòng và thậm chí có cả một trung tâm mua sắm, trong khi mái nhà sẽ biến thành một khu vườn công cộng, hồ bơi và một khu thể thao.
Tòa nhà chọc trời “bền vững” cũng đang trở nên phổ biến hơn khi sử dụng năng lượng hiệu quả tương ứng với một môi trường làm việc tốt hơn và tạo năng suất hơn. Đổi lại, công ty sẽ tiến hành thực hiện đầu tư vào nguyên tắc “xanh” có lợi hơn về lâu dài. Việc thiết kế các tòa nhà này đề ra tiêu chuẩn mới cho công trình kiến trúc thương mại và môi trường văn phòng làm việc. Bằng cách tập trung nhấn mạnh ánh sáng ban ngày, không khí trong lành và một kết nối mở ra bên ngoài, hầu hết kiến trúc sẽ cho thấy sự gần gũi với thiên nhiên và chất liệu cho những công trình đều nghiêng về mặt tự nhiên.
Dự án tòa nhà chọc Organic London lấy cảm hứng từ sự tăng trưởng thực vật và các giàn giáo bằng tre của châu Á kết hợp tái sử dụng các chất hải sản xuất bởi con người.
3. Mang tính cộng đồng
Các công trình dù trong bất kì giai đoạn nào cũng luôn hướng đến người sử dụng và do đó những thiết kế thành công như các không gian mua sắm bán lẻ ở tầng trệt của những trung tâm thương mại, cung cấp khu vực “tập trung” bên trong và cả xung quanh tòa nhà hay vỉa hè dành cho người đi bộ… được chú trọng để tạo tính thiết thực cao.
Một trong những “điểm sáng” là bài học kinh nghiệm và xu hướng cần được phát triển hơn nữa, thiết kế cải tiến 8 gara đổ xe xung quanh phố 3rd Street Promenade cùng với Santa Monica Place Mall ở Santa Monica của Brooks + Scarpa Architect bao gồm nhiều mặt tiền mới giúp cải thiện lối đi cho người đi bộ, tăng cường ánh sáng LED an toàn và thẩm mỹ, cửa hàng bán lẻ ở tầng trệt... Điều này làm thay đổi nhận thức của mọi người về không gian và chức năng tích hợp của các tòa nhà bên cạnh ý nghĩa hoạt động của thành phố đi bộ, gắn kết và thân thiện. Để từ đó, các dự án trong năm này và cho cả tương lai luôn hướng đến tính quy mô mang ý nghĩa cộng đồng.
Thiết kế cải thiện Santa Monica Place Mall cũng như 8 bãi đậu xe khác xung quanh 3rd Street Promenade ở Santa Monica.
Kiến trúc thành công nhất khi nó tạo ra một môi trường để làm phong phú thêm những trải nghiệm của con người. Dự án thiết kế Kimball Art Center cung cấp một trải nghiệm độc đáo và nghệ thuật, tạo ra một không gian xã hội mới trong thế kỷ 21. Dự án này mang đến một nơi để phát triển và củng cố cộng đồng sinh viên và giảng viên bằng cách cung cấp một không gian chính thức để họ có cơ hội gặp gỡ một cách gần gũi. Khi đó, thiết kế tòa nhà được kết nối với các góc phố, khách qua đường có thể nhìn thấy sâu vào trong tòa nhà, xem cách mọi người làm việc trên nhiều khu vực, chiêm ngưỡng những không gian triển lãm chính và nhiều không gian khác được liên kết trực quan với nhau thay vì chỉ đơn giản là hiển thị ở bên ngoài, họ có thể thấy cả quá trình trưng bày của chúng.
Dự án thiết kế Kimball Art Center.
4. Phỏng sinh học
Không còn là một khái niệm mới mẻ, phỏng sinh học là một xu hướng sáng tạo không ngừng để nghiên cứu vận dụng và mô phỏng kết cấu, chức năng của các vật thể trong tự nhiên, từ đó, chế tạo ra những hệ thống phục vụ con người. Trong đó có cả những công trình kiến trúc. Sử dụng tính chất hình học tự nhiên, tìm về với thiên nhiên để tìm cảm hứng giải quyết các vấn đề thiết kế!
Kiến trúc phỏng sinh học vượt ra ngoài việc chỉ sử dụng tự nhiên làm nguồn cảm hứng cho các thành phần thẩm mỹ của các công trình, thay vào đó, kiến trúc sư còn tìm cách sử dụng tính chất của chúng để giải quyết các vấn đề về chức năng của tòa nhà. Interfaith Chapel tại trường Đại học phía bắc Florida, một trong số các công trình nhận giải thưởng AIA Orlando’s annual Design (danh hiệu dành cho các công trình thiết kế uy tín ở Florida) lấy cảm hứng từ một chiếc váy cưới và điểm trên cùng tòa nhà nguyện là một ánh sáng với bầu trời rộng lớn. Ánh sáng được khuếch tán bởi một ngọn tháp lưới bằng gỗ có nguồn gốc từ biểu tượng “vô cực”.
Interfaith Chapel tại trường Đại học phía bắc Florida.
"Tự nhiên có mặt ở khắp mọi nơi, bạn luôn có thể tìm thấy một cái gì đó để bắt chước.", một câu nói nổi tiếng của Leonardo Da Vinci. Kiến trúc hữu cơ sử dụng các hình thức của hình học lấy cảm hứng từ thiên nhiên trong thiết kế và tìm cách kết nối lại với con người. Thiên nhiên có rất nhiều điều để dạy cho chúng ta và các kiến trúc sư đang bắt đầu nhìn vào hình thức trong tự nhiên làm đề tài cho mẫu thiết kế. Sự tương tác lẫn nhau trong môi trường và cuộc sống tạo sự liên kết mật thiết giữa con người với tự nhiên và dĩ nhiên không thể tách biệt.
Thiết kế mô phỏng lấy cảm hứng từ lớp vỏ của bọ cánh cứng.
Tuy vậy, nếu muốn diễn tả xu hướng bao quát toàn bộ sự phát triển kiến trúc bền vững trong thời gian vừa qua, từ “toàn diện” sẽ thích hợp hơn. Tất cả mọi thứ đều mang tính kết nối, các xu hướng cũng được kết hợp sử dụng và mang tính chất giai đoạn, thời kì nhất định.
Theo Designs.vn