Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Dương Đức Tuấn cho biết, phạm vi nghiên cứu khoảng 400ha thuộc khu phố cũ Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và một phần Tây Hồ.

Theo ông Dương Đức Tuấn, TP đã thành lập Hội đồng chuyên gia để xét chọn, đề xuất bảo tồn biệt thự trên cơ sở đặc trưng về tổ chức không gian, kiến trúc, điều kiện tự nhiên, xã hội, các yếu tố văn hóa - lịch sử. Với các tiêu chí đánh giá cụ thể, Hội đồng đã phân nhóm 4 loại biệt thự có giá trị bảo tồn khác nhau.

Loại 1, ưu tiên bảo tồn có 229 biệt thự có giá trị đặc biệt, quy mô lớn, vị trí đẹp, giữ được tính nguyên bản và đặc trưng phong cách kiến trúc. Loại 2, cần khôi phục, bảo tồn có 432 biệt thự, có giá trị nhưng ít nhiều hư hại, biến dạng. Loại 3, có thể cải tạo hoặc loại bỏ có 644 biệt thự. Đây là loại có giá trị trung bình, còn giữ được hình dạng ban đầu nhưng đã bị sửa chữa, lấn chiếm. Loại 4, loại khỏi danh mục biệt thự Pháp có 234 biệt thự đã bị phá bỏ, xây mới, hoặc hư hại nghiêm trọng đã biến dạng hoàn toàn về kiến trúc. Ngoài các biệt thự trong danh mục 970 biệt thự theo đề án quản lý của TP trước đó, trong lần rà soát này Viện Quy hoạch - Kiến trúc đô thị đã đề nghị bổ sung thêm 562 biệt thự khác.

Tại nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các chuyên gia xây dựng, kiến trúc đã nhấn mạnh đến giá trị của quỹ nhà biệt thự kiểu Pháp tại Hà Nội và coi đây là mảng quan trọng trong quỹ di sản kiến trúc Hà Nội; là mô hình đặc trưng mà không phải đô thị nào cũng có, làm phong phú thêm cảnh quan, diện mạo đô thị và cũng có giá trị lớn về mặt kinh tế khi nhìn nhận dưới góc độ quỹ bất động sản (BĐS). Theo các chuyên gia, biệt thự thường được xây dựng tại những vị trí đẹp, trên các tuyến phố chính, thuận lợi về giao thông. Khi thị trường BĐS hình thành, trong khi TP chưa có cơ chế đủ mạnh để bảo tồn, khai thác hiệu quả quỹ biệt thự, nhiều biệt thự đã xuống cấp nghiêm trọng, bị phá đi để xây dựng thành cao ốc. Không ít chủ sở hữu biệt thự không nhận thức đầy đủ về giá trị kiến trúc, lịch sử của công trình mà chỉ tính toán vào giá trị tiềm năng của BĐS.

Mặt khác, nếu những công trình được sử dụng làm công sở gần như ít thay đổi thì các biệt thự được dùng làm nhà ở được phân chia thành nhiều căn hộ phân bổ cho nhiều gia đình. Khi số nhân khẩu tăng, ngôi nhà cũng dần có thêm phần cơi nới để mở rộng diện tích sử dụng mà không được quản lý. Đó là lý do có tới 234 biệt thự bị phá bỏ, xây mới hoặc hư hại nghiêm trọng đã biến dạng hoàn toàn về kiến trúc.

Trong khuôn khổ dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp" do Vùng Ile de France (Pháp) giúp đỡ trước đó, các chuyên gia Pháp cho rằng, việc xây dựng các tòa tháp cao tầng đã làm biến dạng khu phố kiểu Pháp, song về cơ bản không có xáo trộn quá nhiều về mặt cấu trúc cũng như quy hoạch. Đó là mạng đường kiểu ô bàn cờ, nhiều tuyến đường rộng, có cây xanh hai bên đường. Các ngã tư có mặt đứng công trình xén vát. Công trình kiến trúc chủ đạo thường dành làm công sở cho cơ quan công quyền. Biệt thự và những công trình khiêm tốn hơn dành làm nhà ở cho công chức.

Hiện nay, mạng đường giao thông gần như còn nguyên vẹn, trong khi các tòa nhà không còn như ban đầu, nhưng vẫn có thể hình dung được giá trị kiến trúc, đô thị và đặc điểm pha trộn giữa nhiều phong cách kết hợp giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa. Cũng trong khuôn khổ dự án này, chuyên gia đề xuất một số giải pháp bảo tồn rất đơn giản như soạn thảo sách hướng dẫn cải tạo công trình để giúp chủ đầu tư biết cách chọn vật liệu phù hợp (chẳng hạn thay mái tôn bằng mái ngói); bảo vệ các dãy tường rào, một trong những nét đặc trưng của biệt thự kiểu Pháp, bằng cách tu sửa, gỡ bỏ những phần chắp vá (như các bó dây điện, tấm ốp, mái che, mái vẩy…), trước mắt ở chính cơ quan công quyền. Biện pháp này không tốn kém nhưng cải thiện ngay lập tức không gian công cộng.

Tiếp theo quy hoạch tổng thể để bảo tồn giá trị các biệt thự Pháp, chuyên gia đề xuất thiết lập tuyến liên kết không gian xanh dựa trên đặc điểm lợi thế nằm giữa hai hồ nước tiêu biểu cho cảnh quan Thủ đô là Hoàn Kiếm và Thiền Quang. Việc liên kết không gian xanh sẽ hình thành lộ trình khám phá các tầng bậc lịch sử phát triển kiến trúc đô thị khác nhau của Thủ đô. Tuyến liên kết xanh này có thể vượt khỏi phạm vi khu phố Pháp, kết nối với thành cổ Hà Nội, phố cũ, hồ Tây, sông Hồng...
Theo http://kientrucvietnam.org.vn