Phong cách Minimalism hay phong cách tối giản xuất hiện từ những năm 1970, được xem là một nhánh của phong cách đương đại. Minimalism đề cao vẻ đẹp của sự đơn giản, đơn giản đến tối giản. Công năng của sản phẩm là điều cốt lõi và bỏ đi hầu như tất cả những thành phần không cần thiết nhằm giữ lại một không gian trống hoàn hảo nhất. Ngày nay, phong cách này khá phổ biến không chỉ bởi nét cá tính độc đáo mà nó mang lại, việc sử dụng và bày trí tối giản còn giúp tiết kiệm diện tích tối ưu cho một ngôi nhà.
Dưới đây là một căn nhà ở Cộng hòa Séc được làm mới bắt đầu từ một không gian trống chỉ với chiếc cầu thang trung tâm đặt ngay giữa tầng trệt. Thiết kế cải tạo lại nội thất ngôi nhà lấy cảm hứng từ tình yêu Scandinavia của chủ nhà, sử dụng tone màu trắng và đen chủ đạo trên những thiết kế tối giản hiện đại.
Sofa phòng khách được làm từ một bộ đệm ngồi trên một chiếc phản gỗ hình chữ U.
Tiết chế các chi tiết, hoa văn, tận dụng triệt để ánh sáng để tạo sự thoáng đãng, tự do và thoải mái. Phong cách này tuân thủ theo một quy tắc chung “Less is more” – ít là nhiều, nhưng không vì thế mà thiếu đi sự tinh tế và trang nhã. Thông thường, các thiết kế sẽ đi theo một hệ không quá ba màu, bao gồm một màu nền, màu chủ đạo và màu nhấn. Và thiết kế của ngôi nhà này gồm tone đen, trắng và điểm nhấn là màu nâu nhạt của gỗ.
Bộ bàn ăn với những chiếc ghế kiểu dáng phối trộn theo phong cách Eclectic (chiết trung)
Chính vì tối giản nên hầu hết từ thiết kế đến bày trí đều phải đơn giản, hài hòa và hiện đại. Các vật dụng trang trí đáp ứng được công năng và tính thẩm mỹ cần thiết, không chi tiết hoặc quá phô trương, “ít mà chất”. Do vậy, các kiểu dáng, hình khối thường sẽ là vuông, tròn hoặc các đường thẳng, góc cạnh.
Thay vì sử dụng tủ sách, một hệ thống sắp đặt các khung hình vuông màu đen trắng để trưng bày và lưu trữ vật dụng bằng gỗ sồi.
Bức tường kính cao từ trần đến sàn tách lối vào với phòng khách và nhà bếp chính, sử dụng một bản lề trượt để mở một cách dễ dàng.
Cầu thang uốn quang một bức lưới đan bằng cotton được cố định từ tầng hai xuống tầng một.
Bàn bếp bằng đá granite đen bóng loáng. Thiết kế lò vi sóng, tủ lạnh âm tường cùng hệ thống kệ lưu trữ được dấu dưới các cánh cửa tủ gỗ màu trắng.
Đơn điệu nhưng không nhàm chán. Chính các khoảng trống đơn sắc lại giúp làm nổi bật chủ thể trang trí một cách hiệu quả. Các vật dụng sử dụng một cách thông minh và không rườm rà đem lại nét sang trọng đúng “chất” của Minimalism. Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng, ánh sáng. Bởi giảm thiểu và tiết chế các thành phần không cần thiết nên ánh sáng, nhất là ánh sáng tự nhiên cần chú trọng sử dụng triệt để giúp tôn lên các hình khối của vật dụng cũng như mang đến sự ấm áp cho ngôi nhà.
Phòng ngủ chính với thiết kế mở và thoáng mát, có một tủ sách tách không gian phòng ngủ với bên ngoài.
Sàn gỗ mở rộng lên cả phần tường phía đầu nệm làm điểm nhấn cho phần đầu giường.
Tương phản với màu trắng của phòng ngủ là tone màu đen của phòng tắm ở bên trái.
Bồn rửa mặt với kiểu dáng đơn giản mà lạ mắt.
Bên trong phòng tắm sử dụng tone màu trắng để lám sáng phần không gian này.
Minimalism không chỉ là phong cách thiết kế mà còn thể hiện phong cách sống của chủ nhà. Phong cách này phù hợp với những người thích đơn giản, ngăn nắp, yêu sự tự do, phóng khoáng. Khi nhịp sống ngày càng nhanh và hối hả, một không gian thoáng đãng, thư giãn, tràn ngập ánh sáng là điều mà mọi người đều mơ ước. Đó có lẽ là lý do tại sao phong cách tối giản đang ngày càng có sức ảnh hưởng lớn từ các thiết kế từ nội thất cho đến nhiều loại hình nghệ thuật khác.
Theo Designs.vn