Gỗ lũa thường chỉ có ở những loài cây gỗ tốt, quý hiếm hoặc những loài sống lâu năm cằn cỗi trên các khu vực đất nghèo dinh dưỡng. Mỗi loại lũa lại có đặc điểm riêng: lũa dưới đất giữ nguyên màu gỗ nguyên thủy; lũa ngâm trong bùn có màu như mun, như sừng; lũa phơi trước gió là loại quý hiếm nhất vì có những đường vân sóng rất đẹp. Tất nhiên, không phải loại gỗ nào cũng hình thành được lũa. Lũa được tạo thành bởi những loại gỗ quý như đinh, trai, nghiến hoặc những loại gỗ chứa dầu thơm như giáng hương, đinh hương, gù hương, pơmu. Nhiều người chơi lũa ví nó như trầm hương vì giá trị cao của nó và việc tìm kiếm cũng khó khăn khôn lường.

KTS Lê Đình Chung là một trong những người chơi lũa đó. Anh là giám đốc Công ty CP kiến trúc Đất Việt, ngoài đam mê về nghề kiến trúc, anh còn có sở thích đặc biệt là sưu tầm và tìm kiếm gỗ lũa. Hiện anh đang sở hữu rất nhiều gốc gỗ lũa với nhiều hình thù độc nhất vô nhị hoàn toàn chưa qua chế tác như hình khủng long bay, hình rồng uốn lượn, hình chim hạc cõng người, hình san hô … mang nhiều ý nghĩa phong thủy, nghệ thuật và một cuộc sống dài lâu, bất tận. Để có được những gốc gỗ lũa đậm chất nghệ thuật này, KTS Lê Đình Chung đã phải lặn lội lên những vùng núi hoang sơ, vượt bộ có khi lên đến 5 km đường rừng để đến được gốc cây cổ thụ tốt, chất gỗ quý hiếm, chủ yếu là các loại gỗ có chứa dầu thơm. Sau đó, chờ đợi thời cơ thích hợp mới tiến hành đào lên, công việc đào gốc cây không hề đơn giản, đòi hỏi sự kiên trì và có nhiều kinh nghiệm mới giữ được các đường rễ quyết định sự tạo hình của gỗ lũa. Giá trị gỗ lũa không nằm ở khúc gỗ to hay nhỏ mà ở giá trị nghệ thuật của nó, các hình thù, màu sắc, hương thơm chính là yếu tố quyết định.

Mời các bạn thưởng thức các tác phẩm gỗ lũa nghệ thuật chưa qua chế tác của KTS Lê Đình Chung

 

KTS Lê Đình Chung giữa đại ngàn gỗ lũa

KTS Lê Đình Chung bên gốc gỗ lũa mới được khai quật

Gốc gỗ lũa đã được cạo lớp đất bám bên ngoài